Phương pháp học mặt đối mặt (face-to-face) là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công của các bài giảng. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy hiệu quả ở hình thức học ngoại tuyến (offline) tại trường lớp với sự kỷ luật và tập trung cao độ. Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu thực hành ngôn ngữ trong giai đoạn Covid hiện nay, các lớp học ngoại tuyến đã chuyển dịch đến học online – nơi khả năng tương tác “mặt đối mặt” bị hạn chế.
Hướng đến nâng cao chất lượng của bài giảng điện tử, hàng loạt nghiên cứu từ các trường đại học hàng đầu được thực hiện để chỉ ra rằng: Hiệu quả của phương pháp học “mặt đối mặt” sẽ không có bất kỳ thay đổi nào dù được thực hiện 100% qua internet nếu như chúng ta hiểu được tầm quan trọng của camera. Nhưng tại sao học sinh không muốn bật camera khi học online? Để khắc phục tình trạng này hãy cùng Ngọc Thiên tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Lý do học sinh không muốn bật camera khi học online?
Các lớp học online qua Zoom hay phần mềm học trực tuyến khác cho thấy học viên không thích bật camera nhưng lại thích mở micro.
- Lo lắng về diện mạo của mình
- Không muốn người khác quan sát mình
- Tín hiệu internet không đủ tốt
- Có việc khác, đôi lúc muốn rời khỏi màn hình
- Có cảm giác camera không thật sự cần thiết
- Bối cảnh xung quanh không phù hợp
Cách khắc phục tình trạng học sinh không muốn bật camera
Chúng ta cần xác định việc yêu cầu học sinh mở camera trong lớp học online là sự cổ vũ, khuyến khích chứ không ép buộc.
– Nhiệt tình cổ vũ việc được tương tác với học sinh qua camera. Giáo viên cần giải thích lý do vì sao bạn mong muốn được thấy họ trên màn hình trong quá trình học. Mục đích cuối cùng của bạn là thiết lập một lớp học mà việc học sinh mở camera là điều đương nhiên.
– Trong quá trình học, Giáo viên cần thường xuyên nhắc nhở những yếu tố làm bạn và học sinh của bạn mất tập trung, để học sinh luôn ý thức việc tập trung vào bài học.
– Sử dụng các kỹ thuật học tập chủ động để khuyến khích học sinh tương tác trong lớp học, từ đó việc mở camera trở nên có động lực hơn.
– Thực hiện khảo sát để hiểu học sinh gặp khó khăn gì trong quá trình học online hay mong muốn của họ khi tham gia lớp học trực tuyến là gì? Từ đó, bạn có thể có những điều chỉnh hay có cách thức để cải thiện trải nghiệm của học sinh tham gia lớp học của bạn.
– Không ép buộc việc sử dụng camera nhưng đưa ra nhiều lựa chọn thay thế. Các lựa chọn thay thế có thể là polling, comment, mục chia sẻ tài liệu, forum, bảng trắng, upload, và đặc biệt mà tính năng chat trực tiếp song song lớp học bằng phòng video.
Có nhất thiết phải bật camera để lớp học hiệu quả hay không?
Rõ ràng khi không yêu cầu học viên mở camera trong lớp học, không những làm bạn có cảm giác nói chuyện một mình, nó còn rất phiền phức khi một học sinh nào đó phát biểu. Bạn không biết ai đang nói.
Thậm chí có một số giáo viên còn cảm thấy không thể dạy học tốt nếu học sinh của họ không mở camera lên. Nhưng thực tế không đến mức nghiêm trọng như vậy. Việc yêu cầu mở camera như một sự ép buộc còn gây hiệu ứng ngược đối với học sinh. Vì rõ ràng một số học sinh không cảm thấy thoải mái khi bị yêu cầu phải dùng camera trong lớp học online.
3 lợi ích của việc bật camera trong quá trình học online
1. Tăng khả năng tập trung, nâng cao chất lượng bài giảng
Nhiều ý kiến cho rằng, các lớp học online không được kỷ luật và trật tự như offline. Nhưng để đánh giá khả năng kiểm soát chất lượng lớp học, chúng ta cần xác định dựa trên mức độ tập trung vào bài giảng. Một bài giảng hấp dẫn với nhiều hoạt động tương tác, luyện phát âm,…sẽ thu hút học viên tham gia đóng góp vào quá trình giảng dạy.
Trong trường hợp này, việc mỗi học viên bật camera sẽ góp phần xây dựng môi trường học tích cực chứ không còn đơn thuần là giám sát kỷ luật. Thông qua camera, giáo viên và trợ giảng sẽ ghi nhận những tín hiệu phi ngôn ngữ từ học sinh như nụ cười, cau mày, gật đầu, nét mặt cùng các ngôn ngữ nói để phân tích và điều chỉnh phương pháp giảng dạy thông qua tổ chức các trò chơi tương tác.
Khi mọi người có thể nhìn thấy nhau, khả năng tương tác giữa giáo viên với học sinh và giữa các học sinh sẽ được nâng cao. Từ đó xây dựng những chủ đề hấp dẫn cải thiện chất lượng lớp học.
2. Được học tại nhà, sáng tạo thả ga
Các báo cáo cho thấy, có hơn 41% học viên không thích bật camera trong quá trình học online. Họ có nhiều hơn một thứ để lo lắng khi phải “trình diễn” bản thân trước cả lớp. Từ mái tóc bù xù, trang phục không chỉnh chu, đến tâm lý riêng tư không muốn thể hiện lối sống cá nhân trong giờ học trực tiếp. Tuy nhiên, nguyên nhân được nhiều học viên chọn lựa nhất chính là nỗi lo về các tình huống có thể diễn ra trong môi trường xung quanh, đặc biệt là “phông nền” sau lưng họ như khu vực học tập không đẹp hoặc có quá nhiều người qua lại trong khung hình.
Cách tạo phồng nền khi học online
Ở đây Ngọc Thiên hướng dẫn cách đổi phông nền ảo trên Zoom cực sang, cực đơn giản
- Mở ứng dụng Zoom. Trong phòng học video > nhấn vào mũi tên bên cạnh Bắt đầu video > chọn Nền ảo
- Chọn background có sẵn mà bạn thích
- Để chọn background tuỳ ý, chọn mục dấu + > chọn hình ảnh trong máy
- Nhấn Hoàn thành > Click chọn Đóng là xong
3. Tạo sợi dây nối kết giữa thời đại “từ xa”, “tại nhà”
Trong giai đoạn này, vai trò của camera được phát huy tối đa để mang đến những cảm giác chân thực “mặt đối mặt” thay vì chỉ nghe giọng nói. Chiếc camera thần kỳ ấy chính là cầu nối giữa con cùng thầy cô và bạn bè. Có những câu chuyện trải nghiệm con muốn kể, có những điều mới lạ con muốn chia sẻ, và chúng sẽ thú vị hơn, sinh động hơn nếu con sử dụng cả giọng nói và ngôn ngữ cơ thể để thể hiện qua camera.