Tin tức, Phần mềm, Tin công nghệ

Cách nhận biết lừa đảo việc làm qua Zoom

Cách nhận biết lừa đảo việc làm qua Zoom

Lừa đảo việc làm qua Zoom bắt đầu bằng một bài đăng trên Facebook về cơ hội việc làm và lời mời phỏng vấn qua Zoom — một trải nghiệm quen thuộc với nhiều người tìm việc ngày nay.

Ứng viên cho rằng thật khác thường khi buổi phỏng vấn chỉ diễn ra qua Zoom Team Chat mà không có cuộc gọi video trực tiếp. Và khi người phỏng vấn bắt đầu hỏi về thông tin tài khoản ngân hàng và hứa hẹn sẽ gửi séc để gửi tiền, những nghi ngờ của ứng viên được xác nhận: họ đã gặp phải một vụ lừa đảo qua phỏng vấn.

Kịch bản trên có trong một trong nhiều báo cáo gần đây mà nhóm tin cậy và an toàn của Zoom nhận được từ những người tìm việc. Những kẻ lừa đảo có thể sử dụng bất kỳ phương tiện liên lạc nào, kể cả Zoom, để lấy thông tin có giá trị từ các nạn nhân mà chúng nhắm đến.

Mặc dù ngày càng có nhiều vụ lừa đảo việc làm, các công ty trên thế giới vẫn sử dụng Zoom để tổ chức các buổi phỏng vấn hợp pháp cho mọi loại vị trí. Làm thế nào để phân biệt một vụ lừa đảo việc làm với cơ hội việc làm thực sự? Sau đây là những điều cần lưu ý và một số lời khuyên giữ an toàn để bạn có thể tự tin tìm việc.

“Họ thông báo với tôi rằng buổi phỏng vấn sẽ diễn ra qua Zoom Team Chat”

Theo nhiều báo cáo mà chúng tôi nhận được, những kẻ lừa đảo tổ chức phỏng vấn qua trò chuyện, sau đó nói rằng họ sẽ chuyển cuộc trò chuyện đó đến bộ phận Nhân sự hoặc hội đồng quản trị công ty để xem xét. Tuy nhiên, ứng viên không bao giờ nhìn thấy người phỏng vấn qua video hoặc nói chuyện với bất kỳ ai khác từ công ty đó.

Trong thị trường việc làm ngày nay và đặc biệt là trong giai đoạn đầu của phỏng vấn, nhà tuyển dụng và quản lý tuyển dụng thường liên lạc với ứng viên qua điện thoại, trò chuyện, email hoặc tin nhắn văn bản — bản thân điều đó không có gì lạ. Tuy nhiên, nếu người phỏng vấn từ chối gặp mặt trực tiếp hoặc qua video vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình này thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng có điều gì đó không ổn.

“Họ muốn gửi séc cho tôi để gửi tiền”

Việc tuyển dụng cần có thời gian, vì vậy nếu người phỏng vấn nói rằng bạn đã được tuyển dụng trong buổi phỏng vấn và ngay lập tức yêu cầu bạn hoàn thành thủ tục giấy tờ cho nhân viên mới, cũng như thiết lập phương thức tiền gửi trực tiếp thì điều đó sẽ rung lên hồi chuông cảnh báo.

Một người tìm việc cho biết: “Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên là khi họ gửi cho tôi hợp đồng nhân viên mới ngay sau buổi phỏng vấn, sau đó yêu cầu thông tin cá nhân như địa chỉ gửi thư và giấy tờ tùy thân do chính phủ cấp để kiểm tra lý lịch. Sau đó, họ muốn gửi séc để gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của tôi dùng cho việc mua thiết bị văn phòng tại nhà mà tôi sẽ cần”.

Nếu người phỏng vấn thúc ép bạn hành động quá nhanh, hãy dừng lại và đánh giá tình hình. Đừng bao giờ chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng hoặc thông tin cá nhân khác của bạn như số an sinh xã hội qua Zoom Team Chat. 

“Họ muốn tôi gửi tiền để mua thiết bị”

Kẻ lừa đảo cũng có thể yêu cầu bạn sử dụng ứng dụng chuyển tiền như Zelle, PayPal hoặc Venmo, dưới chiêu bài mua thiết bị văn phòng hoặc vật tư và họ nói rằng bạn sẽ được hoàn tiền sau. 

Một người báo cáo cho biết: “Người mà tôi liên lạc liên tục yêu cầu tôi gửi tiền mua “thiết bị và giao hàng””.

Hãy cảnh giác với bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến việc gửi tiền, ngay cả khi người đó gửi séc cho bạn hoặc nói rằng bạn sẽ được hoàn tiền. Công ty có uy tín sẽ không yêu cầu bạn trả tiền để bắt đầu hay đảm bảo có công việc. 

Cách phát hiện lừa đảo việc làm

Hứa hẹn về công việc mới có thể khiến bạn muốn hành động nhanh, đặc biệt nếu bạn đang tìm việc làm trong một thời gian khá dài. Nhưng chờ đã — hãy dành chút thời gian đánh giá cơ hội để bạn có thể chắc chắn rằng công việc này hợp pháp.

Kiểm tra kỹ tin tuyển dụng

Một kiểu lừa đảo phổ biến trên Indeed hoặc LinkedIn là tin tuyển dụng giả mạo thoạt nhìn có vẻ như thật. Khi bạn nộp đơn, kẻ lừa đảo sẽ dụ bạn tham gia cuộc phỏng vấn giả mạo qua điện thoại, Zoom Team Chat hoặc nền tảng khác.

Nếu bạn thấy tin tuyển dụng cho một công ty mà bạn chưa từng nghe đến, có bản mô tả công việc mơ hồ và mức tiền lương hoặc phúc lợi có vẻ quá tốt đến mức khó tin, hãy tìm hiểu: 

  • Kiểm tra trang web của công ty để xem có liệt kê vai trò tương tự ở đó không 
  • Nhấp vào hồ sơ LinkedIn hoặc Indeed của công ty từ tin tuyển dụng — nếu trang công ty thưa thớt, có ít thông tin hoặc người theo dõi thì đó là dấu hiệu cho thấy trang giả mạo

Xác minh địa chỉ email

Nếu bạn liên lạc với người phỏng vấn qua Zoom, hãy xem địa chỉ email của người đó trên hồ sơ Zoom (di chuột qua ảnh hồ sơ của họ, sau đó nhấp vào thẻ “liên hệ”). 

Cách nhận biết lừa đảo việc làm qua Zoom
  • Đối chiếu tên miền của địa chỉ email (phần đứng sau ký hiệu @) với tên miền của trang web công ty
  • Kiểm tra kỹ lỗi chính tả có thể chỉ ra email giả mạo, chẳng hạn như recruitingperson@zooom.us
  • Không liên lạc với người tự xưng là đến từ một công ty nhưng lại sử dụng tài khoản email cá nhân như zoomcompany@gmail.com

Báo cáo lừa đảo việc làm qua phỏng vấn trên Zoom

Nếu bạn nghi ngờ mình có liên quan đến một vụ lừa đảo qua phỏng vấn trên Zoom thì việc báo cáo vụ việc có thể giúp ngăn những người khác khỏi bị lừa đảo. Sau đây là một số nơi để bắt đầu báo cáo:

  • Báo cáo vụ việc với đội ngũ tin cậy và an toàn của Zoom. Vui lòng bao gồm thông tin như ảnh chụp màn hình, địa chỉ email của những người bạn đã nói chuyện, ngày tháng và thời gian nói chuyện.
  • Nếu kẻ lừa đảo giả vờ đến từ một công ty có thật, hãy liên hệ với công ty đó để cho họ biết.
  • Nếu bạn bị lừa đảo bởi một tin tuyển dụng giả mạo, hãy báo cáo tin tuyển dụng cho trang web liệt kê tin đó (như Indeed hoặc LinkedIn).
  • Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của quốc gia bạn — tại Việt Nam, đó là Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Việc thẩm định trong quá trình tìm việc nghe có vẻ thừa thãi nhưng không may là, trong thế giới ngày nay, điều đó lại rất cần thiết. Hãy đảm bảo an toàn và chúc bạn tìm việc thành công!